Vaccine phòng ngừa HPV và những điều chị em cần biết?

Ung thư cổ tử cung là một trong số những bệnh có tỷ lệ mắc ngày một gia tăng ở phụ nữ. Hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung gây ra bởi virus papillomavirus (HPV). Hiện đã có vaccine giúp phòng ngừa loại ung thư này, tuy nhiên, độ phổ biến với các chị em phụ nữ còn chưa cao hoặc khi biết tới thì đã quá thời điểm đem lại hiệu quả tốt nhất của vaccine. Bài viết này chúng tôi chia sẻ thêm các thông tin về vaccine.

  1. Vaccine phòng HPV là gì?

Vaccine phòng HPV là vaccine giúp phòng ngừa các bệnh do virus HPV (Human Papilloma Virus) gây ra. Căn nguyên HPV gây nguy cơ cao dẫn tới những bất thường cổ tử cung (tiền ung thư, ung thư), mụn cóc sinh dục. Ngoài ra, HPV còn liên quan tới những loại ung thư khác như ung thư tế bào gai của hậu môn, âm hộ, âm đạo, dương vật, ung thư vùng đầu và cổ.

  1. Tại sao nên tiêm vaccine phòng ngừa HPV?

Đa số những người đã quan hệ tình dục đều nhiễm virus này tại một thời điểm nào đó, tuy nhiên, việc nhiễm virus này xảy ra âm thầm và không xuất hiện triệu chứng trong thời gian đầu. Nếu không được đào thải, bệnh sẽ tiến triển sang các thể khó kiểm soát hơn, sự tấn công của loại virus này gây nên tiền ung thư, u nhú, ung thư cổ tử cung.

Theo thống kê của HPV Information Centre, cứ 4 phút trôi qua lại có 1 người chết vì ung thư cổ tử cung, mỗi ngày tại Việt Nam có thêm 14 ca mắc mới và 7 phụ nữ tử vong do ung thư cổ tử cung.

Có hơn 140 tuýp Papillomavirus (HPV) được phát hiện ở người. Khoảng 40 loại có thể nhiễm vào vùng sinh dục như âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, trực tràng, hậu môn, dương vật và bìu cũng như miệng và cổ họng. Trong đó các chủng phổ biến gây mụn cóc và ung thư cổ tử cung là 4 chủng: 6, 11, 16, 18.

Hiện nay, trên thị trường đã lưu hành 2 loại vaccine giúp phòng ngừa được các chủng HPV có nguy cơ cao trên. Do vậy, tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất giúp chị em chủ động phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này. Vắc xin phòng HPV khá an toàn và có thể đem lại hiệu quả cao trong việc bảo vệ trẻ em, phụ nữ và nam giới tránh khỏi những căn bệnh liên quan đến virus HPV.

  1. Lời khuyên từ chuyên gia cho các chị em phụ nữ

Một số lời khuyên từ chuyên gia y tế tới các chị em phụ nữ, giúp chị em phòng ngừa tốt hơn:

Tiêm vaccine phòng HPV càng sớm càng tốt, độ tuổi để tiêm vaccine này từ 9-26 tuổi.

Sàng lọc ung thư CTC định kỳ và tiến hành các biện pháp sàng lọc theo độ tuổi phù hợp với mình:

  • Phụ nữ từ 21-29 tuổi nên làm XN Pap (ThinPrep Pap hoặc Pap smear) mỗi 3 năm.
  • Phụ nữ từ 30 – 65 tuổi nên làm xét nghiệm Pap và HPV đồng thời mỗi 5 năm
  • Sau mỗi lần sàng lọc, nếu kết quả XN Pap và HPV có bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định hướng tầm soát tiếp theo.

Với các chị em đã được xác định mắc HPV, nhưng chưa có tổn thương ở CTC (ASCUS, LSIL, CIN1), hãy áp dụng các biện pháp ngăn ngừa tiến triển và tăng đào thải HPV dựa trên 3 cơ chế trên:

  • Tăng tái biểu mô hóa cổ tử cung (sử dụng một số loại viên đặt có thành phần dưỡng ẩm, tăng quá trình biểu mô hóa).
  • Tái cân bằng hệ vi sinh âm đạo (kiểm soát pH tối ưu, tạo điều kiện phát triển hệ lợi khuẩn, đặc biệt là Lactobacillus)
  • Phục hồi hệ miễn dịch tại chỗ, tăng cường miễn dịch toàn thân bằng chế độ dinh dưỡng, vitamin, kiểm soát lối sống (bỏ hút thuốc lá, rượu bia).
  • Ngoài ra, bạn cũng cần theo dõi và tái khám thường xuyên để đánh giá mức độ tiến triển, một số cơ sở y tế có thể áp dụng các phương pháp can thiệp tại chỗ (nạo kênh, áp nhiệt, LEEP cổ tử cung…). Các phương pháp này sẽ cần cân nhắc kĩ vì sẽ có nhiều hậu quả và nguy cơ với sức khỏe.

Cuối cùng nếu kết quả cho thấy bạn nhiễm HPV và có tổn thương CTC ở mức độ nặng (CINII, CINIII hay K), bạn sẽ phải nhập viện và điều trị theo những phác đồ cụ thể của bác sĩ chuyên khoa.