Cúm A và một số thông tin cần biết

Cúm A tình trạng nhiễm virus cấp tính đường hô hấp, gây ra bởi các chủng của virus cúm A như H1N1, H5N1, H7N9… bệnh có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em, cách phòng ngừa tốt nhất là tiêm vaccin hàng năm.

Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, giọt bắn của người bệnh do ho, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc các đồ vật, bề mặt nhiễm virus. Do đó mỗi người cần tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt ho đau họng và được xác định mắc cúm thì cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đeo khẩu trang. Tăng cường miễn dịch, uống đủ nước, giữ gìn vệ sinh đặc biệt vệ sinh bàn tay và không gian sinh sống, tránh tiếp xúc với người có biểu hiện bệnh, đeo khẩu trang… cũng là các biện pháp hiệu quả phòng chống bệnh cúm.

  1. Triệu chứng 

Biểu hiện chính là sốt, đau cơ, mệt mỏi, viêm long đường hô hấp, đau họng, có thể kèm theo các triệu chứng của đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy).

Các triệu chứng này có thể nhầm với các bệnh khác (sốt xuất huyết, COVID, viêm đường hô hấp do căn nguyên khác… – đều có thể sốt, đau mỏi cơ, mệt mỏi)

Một vài triệu chứng nổi bật giúp mọi người dễ phân biệt hơn:

+ Cúm, Covid và viêm đường hô hấp: triệu chứng đường hô hấp trên thường nổi bật hơn (hắt hơi, ho, chảy mũi).

+ Sốt xuất huyết: Triệu chứng nổi bật là sốt cao liên tục >2 ngày, mệt mỏi nhiều, ít có triệu chứng viêm đường hô hấp trên, có thể thấy da xung huyết (đỏ hơn) và các nốt xuất huyết trên da sau sốt ngày thứ 3.

  1. Cách điều trị

Cần chia làm 2 nhóm, nguy cơ và ít nguy cơ

– Nhóm nguy cơ, cần cẩn trọng bao gồm:

Trẻ có bệnh mạn tính, cơ địa béo phì khi mắc cúm A (rất dễ gây các biến chứng như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, thậm chí có thể viêm não, tử vong).

Người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch… cũng cần cẩn trọng.

Những nhóm này cần theo dõi sát, khi có các triệu chứng:

+ Sốt cao >=38.5 mà dùng hạ sốt không đỡ

+ Sốt liên tục >2 ngày (liên tục trong ngày, không cắt sốt).

+ Khó thở (thở nhanh)

+ Mệt mỏi không thể ăn uống được

+ Nôn nhiều

+ Với trẻ em: li bì, bỏ ăn (bú), quấy khóc, thở nhanh, lồng ngực rút lõm, tím môi, li bì hoặc kích thích vật vã

=> Cần cho nhập viện điều trị ngay.

– Những trường hợp còn lại có thể theo dõi điều trị tại nhà:

Với những đối tượng ít nguy cơ, cúm A thường diễn biến lành tính, hồi phục 2-7 ngày

Khi nhiễm cúm chủ yếu điều trị hỗ trợ như:

+ Hạ sốt (chỉ dùng thuốc khi >=38.5 độ),

+ Bổ sung nước điện giải, tăng cường dinh dưỡng (ưu tiên sữa, hoa quả giàu vitamin,…) với trẻ bú mẹ thì sữa mẹ là nguồn bù nước và dinh dưỡng tốt nhất.

+ Vệ sinh mũi họng, hạn chế tiếp xúc với người khác hoặc những người có cơ địa suy giảm miễn dịch), nằm trong môi trường thoáng khí, nhiệt độ mát.

+ KHÔNG TỰ Ý DÙNG KHÁNG SINH, THUỐC KHÁNG VIRUS khi chưa có chỉ định của bác sĩ. (kể cả các thuốc như Tamiflu) – kháng sinh chỉ dùng khi có bội nhiễm (cần bác sĩ xác định), không có hiệu quả với virus cúm. Có thể sử dụng nhưng không được tự ý tăng liều các chất bổ sung (vitamin, tăng đề kháng,…).

+ Tiêm vaccine cúm hàng năm để tăng cường khả năng phòng ngừa nhiễm bệnh hoặc giảm mức độ nặng khi có nhiễm bệnh.

– Với phụ nữ có thai:

+ Nếu có dự định mang thai (nên tiêm phòng cúm trước 3 tháng)

+ Nếu mắc cúm trong 3 tháng đầu thai kì: cần theo dõi sát, chỉ điều trị triệu chứng (hạ sốt nếu sốt cao, vệ sinh mũi họng,…), tốt nhất nên có sự tư vấn từ bác sĩ, không tự ý sử dụng thuốc (kháng sinh hay kháng virus), và tuân thủ các mốc sàng lọc (để tầm soát các bất thường nếu có).

+ Mắc cúm ở quý 2&3, giai đoạn này sẽ đỡ ảnh hưởng đến thai hơn, nhưng vẫn cần điều trị cẩn trọng, và tuân thủ các mốc kiểm tra định kì.