Chăm sóc trẻ bị viêm đường hô hấp trên

Thời tiết thay đổi, các vấn đề về đường hô hấp của trẻ khá phổ biến và gây lo lắng cho các bậc cha mẹ. Vì vậy các mẹ cần có kiến thức đúng đắn để chăm sóc cho các con, đặc biệt là trẻ sơ sinh.

  1. Định nghĩa

Viêm đường hô hấp trên là tình trạng viêm nhiễm tại các bộ phận của đường hô hấp trên như mũi, hầu họng, thanh quản. Các bộ phận này bị ảnh hưởng đầu tiên bởi sự tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài, nhất là khi thời tiết lạnh của mùa đông.

  1. Nguyên nhân

Nguyên nhân gây bệnh có thể do nhiều nguyên nhân như virus cúm, virus RSV, hay các vi khuẩn như liên cầu A, phế cầu, …

  1. Triệu chứng

Triệu chứng thường gặp nhất ở trẻ là sốt. Đây là dấu hiệu đầu tiên của bệnh, thân nhiệt của trẻ tăng cao, có thể từ 39 – 40 độ C. Khi sốt cao, trẻ khó chịu, nhức đầu, mệt mỏi, đau nhức cơ, nôn ói, tiêu chảy…

Sau đó là các triệu chứng sổ mũi và chảy nước mũi. Mũi trẻ sẽ ra nhiều dịch, trong, loãng, không có mủ. Trẻ có thể kèm các triệu chứng ho, ho khan, ho có đờm, ho thành cơn.

Nếu gặp tình trạng nặng hơn, lan xuống đường hô hấp dưới, trẻ có thể gặp các triệu chứng khó thở. Khi có triệu chứng này cha mẹ nên cho bé đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời có sự chăm sóc của các nhân viên y tế giúp tình trạng của con cải thiện.

  1. Chăm sóc trẻ

Với các trường hợp trẻ bị viêm nhẹ đường hô hấp trên, cha mẹ cần vệ sinh mũi, tạo độ thông thoáng cho đường thở của bé. Cho bé ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường rau xanh, vitamin cho trẻ tăng sức đề kháng cho trẻ.

Nếu trẻ sốt cao mẹ có thể dung thuốc hạ sốt cho trẻ như hapacol, Panadol,..với liều lượng phù hợp theo cân nặng của trẻ. Tránh dùng thuốc với hàm lượng cao, ảnh hưởng đến gan của trẻ. Thường xuyên theo dõi thân nhiệt của trẻ.

Với các con có triệu chứng ho, mẹ có thể sử dụng các thuốc uống dạng siro chứa các thảo dược có thể làm dịu cơn ho, các thuốc tân dược giảm ho nếu sử dụng, các mẹ cần có sự chỉ định của bác sĩ để có liều và loại thuốc phù hợp cho con. Nếu trẻ có các dấu hiệu bệnh trở nặng lên như sốt cao, co giật, ho nhiều, nôn ói, tiêu chảy nặng … thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

  1. Phòng bệnh cho trẻ

Các mẹ nên có những giải pháp phòng bệnh cho trẻ ngay từ đầu, nhất là giai đoạn chuyển mùa. Đầu tiên cần nâng cao hệ miễn dịch chủ động cho trẻ như tăng cường các chất dinh dưỡng, thực hiện chương trình tiêm chủng quốc gia cho trẻ đầy đủ. Trong thời tiết lạnh của mùa đông, cần giữ ấm cho trẻ, nhất là các bộ phận mũi, họng, luôn trạng bị khẩu trang cho trẻ khi ra đường. Vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên bằng nước muỗi sinh lý, dạy trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng ngay khi tiếp xúc vật bẩn. Giữ cho phòng ở luôn thông thoáng, sạch sẽ, tránh các dị nguyên như bụi nhà, bụi bông, mạt nhà.