Những loại thực phẩm nên tránh trong 3 tháng đầu mang thai

Chế độ ăn uống của mẹ bầu khi mang thai tháng đầu đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho mẹ và sự tăng trưởng, phát triển của thai nhi. 

Trong thời gian mang thai, chế độ dinh dưỡng hợp lý của mẹ bầu đóng một vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi. Các chuyên gia sức khỏe khuyến nghị rằng bạn nên uống bổ sung các vitamin và khoáng chất đầy đủ dành cho phụ nữ mang thai 3 tháng trước khi thụ thai.

  1. Đu đủ xanh

Đu đủ xanh có rất nhiều nhựa (latex) có tác dụng gây co bóp tử cung nên có thể dẫn đến sẩy thai. Do đó, mẹ bầu mang thai tháng đầu cần tránh ăn đu đủ xanh còn sống.

Tuy nhiên, đu đủ xanh nấu chín lại có nhiều chất dinh dưỡng nên bạn có thể ăn một lượng nhỏ nếu bác sĩ không khuyến cáo bạn tránh ăn.

  1. Cá có hàm lượng thủy ngân cao

Thủy ngân là một trong những kim loại nặng không chỉ gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của mẹ bầu mà còn gây ra sự tác động xấu đến quá trình phát triển não của thai nhi. Do đó, mẹ bầu nên tránh ăn hải sản trong thời kỳ đầu mang thai. Cá mập, cá kiếm, cá thu và cá kình là những thực phẩm chứa hàm lượng thủy ngân cao.

  1. Các loại thịt, cá sống hoặc tái

Thịt sống hoặc thịt nấu chưa chín kỹ có thể bị nhiễm vi khuẩn, salmonella, listeria… có nguy cơ gây ra các bệnh nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu và sự phát triển của con. Một số bệnh nhiễm trùng có thể chỉ gây mất nước và suy nhược với người mẹ, một số khác có thể ảnh hưởng sang thai nhi với hậu quả nghiêm trọng, hoặc thậm chí gây tử vong.

Phụ nữ mang thai đặc biệt dễ bị nhiễm vi khuẩn listeria. Trên thực tế, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), phụ nữ mang thai có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn Listeria cao hơn 10 lần so với dân số chung.

  1. Các loại thực phẩm chứa nhiều cyanua

Cyanua là một hóa chất thường dùng trong công nghiệp, tuy nhiên, nó cũng xuất hiện trong nhiều loại thực phẩm thường dùng như măng hay sắn. Ngộ độc cyanua do ăn măng hoặc sắn chế biến không đúng cách phổ biến hơn.

Khi người ăn phải măng có chứa nhiều cyanide, dưới tác động của các Enzym đường tiêu hóa, Cyanide ngay lập tức biến thành acid cyanhydric (HCN), là một chất cực độc với cơ thể.

Trong cơ thể, cyanide tác động lên chuỗi hô hấp tế bào bằng cách làm bất hoạt các enzym sắt của cytocromoxydase hoặc warburgase, là nguyên nhân gây tình trạng thiếu ôxy tế bào và toan chuyển hóa nặng. Vì vậy mẹ bầu nên cẩn trọng khi ăn măng tươi.

Sắn chứa nhiều axit cyanhydric (HCN) đặc biệt là khoai mì cao sản gây nên tình trạng rối loạn tiêu hóa, nặng hơn nữa là ngộ độc thức ăn. Axit cyanhydric tập trung nhiều ở hai đầu củ sắn và lớp vỏ đỏ. Tránh những loại sắn có vị đắng. Khi đun nấu, nên gọt vỏ sắn thật sạch, ngâm trong nước ít nhất 1 giờ, trong khi luộc không được đậy nắp nồi để các độc tố bay hơi bớt. Phụ nữ có thai nên hạn chế ăn sắn.

  1. Caffein

Theo Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), những phụ nữ mang thai thường được khuyến cáo hạn chế lượng caffeine ở mức dưới 200 miligam (mg) mỗi ngày.

Caffeine được hấp thụ rất nhanh và dễ dàng đi vào nhau thai. Vì trẻ sơ sinh và nhau thai của chúng không có enzym chính cần thiết để chuyển hóa caffeine, nên nồng độ caffein tích tụ ở ngưỡng cao. Uống nhiều caffeine trong thời kỳ mang thai đã được chứng minh là có thể hạn chế sự phát triển của thai nhi và làm tăng nguy cơ thai nhi nhẹ cân khi sinh.

Vì vậy, hãy theo dõi lượng đồ uống hàng ngày của bạn để đảm bảo rằng em bé không tiếp xúc với quá nhiều caffeine.