Vai trò của các vi chất dinh dưỡng giúp tăng cường hệ miễn dịch và sự phát triển của trẻ

Vi chất dinh dưỡng là nhóm những chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Nhóm vi chất gồm các vitamin, khoáng chất nói chung và các vi chất đa lượng nói riêng bao gồm protein, chất béo, carbohydrate.

  1. Vi chất dinh dưỡng là gì?

Vi chất dinh dưỡng gồm nhóm vitamin như A, B, C, D, E… và các nhóm nguyên tố khoáng như canxi, photpho, sắt, kẽm, iot, selen, đồng… Chất béo, gồm dầu, mỡ thuộc nhóm chất dinh dưỡng chính và có nhiều vai trò cần thiết cho cơ thể. Là dung môi tốt để hòa tan các vitamin A, D, E, K là những vitamin có nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể. Cơ thể muốn hấp thu và sử dụng tốt các vitamin này phải cần có dầu mỡ.

  1. Các vi chất giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ

Vitamin A

Vitamin A là một trong 4 loại vitamin tan trong dầu, có tác dụng bảo vệ mắt, chống quáng gà và bệnh khô mắt, đảm bảo sự phát triển bình thường của bộ xương, răng, bảo vệ niêm mạc và da, tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn. Vai trò của vitamin A bao gồm:

  • Tham gia chức năng thị giác, sự có mặt của vitamin A là một phần không thể thiếu đối với việc đảm bảo thị giác của con người.
  • Duy trì cấu trúc bình thường của da và niêm mạc, biệt hoá tế bào, nó được coi như một hormon (hormone-like).
  • Đáp ứng miễn dịch, do hoạt động đặc hiệu lên các tế bào của cơ thể, vitamin A tham gia tích cực vào sức chống chịu bệnh tật của con người.
  • Tạo máu: Cơ chế vẫn còn chưa rõ, nhưng người ta thấy rằng thiếu vitamin A liên quan chặt chẽ với thiếu máu do thiếu sắt, có thể thiếu vitamin A đã gây cản trở hấp thụ, vận chuyển, dự trữ sắt.
  • Tăng trưởng: Retinoic acid đóng vai trò như một hormone (hormone-like) trong điều chỉnh sự lớn và phát triển của các mô trong hệ cơ -xương.
  • Chống lão hoá: Vitamin A kéo dài quá trình lão hoá do làm ngăn chặn sự phát triển của các gốc tự do.
  • Chống ung thư: hoạt động kìm hãm các gốc tự do cũng dẫn đến ngăn chặn được một số bệnh ung thư. Vitamin A trong dầu cá không có tác dụng phòng ngừa ung thư. Chỉ có thành phần tiền vitamin A trong rau củ, trái cây mới có khả năng phòng bệnh.

Khi thiếu vitamin A sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ:

  • Trẻ sẽ chậm lớn, còi cọc.
  • Biểu hiện sớm của thiếu vitamin A là giảm khả nǎng nhìn thấy lúc ánh sáng yếu hay còn gọi quáng gà.
  • Khi thiếu vitamin A, biểu mô và niêm mạc bị tổn thương. Tổn thương ở giác mạc mắt dẫn đến hậu quả mù lòa.
  • Thiếu vitamin A làm giảm sức đề kháng với bệnh tật, dễ bị nhiễm trùng nặng đặc biệt là sởi, tiêu chảy và viêm đường hô hấp dẫn tới tăng nguy cơ tử vong ở trẻ nhỏ.
  • Việc thiếu vitamin A cũng dễ gây cho bị các bệnh như sởi, hô hấp, tiêu chảy kéo dài.

Vitamin A có rất nhiều trong thực phẩm hàng ngày. Việc bổ sung vitamin A vô cùng đơn giản. Các mẹ có thể cho con ăn các loại thực phẩm giàu vitamin A như:

  • Gan cá động vật, các loại cá béo như cá thu, cá trích.
  • Các loại rau quả có màu vàng hoặc xanh đậm như: carot, khoai lang, cây họ cam quýt, gấc, đu dủ, rau ngót, rau muống, mồng tươi…
  • Các nguồn khác như: thịt bò nạc, sữa, cá hồi, phomat…

Vitamin D

Vitamin D giúp cơ thể hấp thu các khoáng chất như canxi, giúp bé xây dựng răng và xương chắc khỏe. Vitamin D cũng cần thiết để bé có thể đạt được sự tăng trưởng đúng tốc độ và hỗ trợ xây dựng kết cấu của xương bé vững chắc. Hơn thế nữa, vitamin D cũng có chức năng như một hormone có vai trò quan trọng với hệ thống miễn dịch, khả năng sản xuất insulin và điều chỉnh của sự tăng trưởng tế bào của bé.

Thiếu hụt vitamin D trầm trọng gây ra còi xương ở trẻ sơ sinh và trẻ em, và loãng xương ở người lớn, được đặc trưng bởi tổ chức hữu cơ của xương không được khoáng hoá. Các nghiên cứu trên trẻ em Đông Nam Á và thanh thiếu niên ở Châu Phi, Châu Mỹ cho thấy chế độ ăn nghèo canxi sẽ làm tăng dị hóa vitamin D, thiếu vitamin D và còi xương.

Vitamin D chỉ có ở thức ăn động vật như trứng, sữa, gan bò, gan lợn, cá, đặc biệt là gan cá thu. Vitamin D cũng là loại vitamin tan trong dầu, do vậy để giúp trẻ hấp thu và sử dụng tốt vitamin này cần có đủ dầu, mỡ trong bữa ăn của trẻ. Vitamin D2 được tích lũy dưới da (đó là dạng chưa hoạt động), sau khi được ánh nắng chiếu vào sẽ chuyển thành D3 là dạng hoạt động. Do vậy, để phòng chống còi xương cho trẻ ngoài chế độ ăn uống đủ các thành phần dinh dưỡng và vitamin D thì cho trẻ tắm nắng là rất quan trọng.

Kẽm

Kẽm đóng vai trò sinh học rất quan trọng đối với sức khỏe con người, cho dù kẽm chỉ chiếm khoảng vài phần triệu trọng lượng khô của cơ thể. Các nhà khoa học đã phát hiện được nhiều căn bệnh nghiêm trọng liên quan tới sự thiếu hoặc thừa chất kẽm trong cơ thể con người, nhất là trẻ em. Vai trò nổi bật của kẽm đối với sức khỏe của trẻ bao gồm:

  • Kẽm giúp tăng hấp thu, tăng tổng hợp chất đạm, phân chia tế bào, tăng cảm giác ngon miệng nên rất quan trọng đối với trẻ em.
  • Kẽm hỗ trợ và duy trì hoạt động hiệu quả của hệ thống miễn dịch, cần thiết cho việc bảo vệ cơ thể trước bệnh tật, làm vết thương mau lành.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) thì việc bổ sung lượng kẽm cần thiết cho trẻ tùy thuộc lứa tuổi, cụ thể:

Trẻ dưới 3 tháng cần 3mg kẽm mỗi ngày, trẻ từ 5 tháng – 12 tháng tuổi là 5 – 8mg/ngày, ở trẻ từ 1 tuổi – 10 tuổi cần khoảng 10 – 15mg/ngày để phát triển chiều cao và thể chất tối ưu.

Đối với các trẻ dưới 6 tháng tuổi thì nguồn kẽm tốt nhất và dễ hấp thu nhất đó chính là sữa mẹ. Đối với trẻ lớn hơn thì người mẹ có thể bổ sung kẽm qua thức ăn, ví dụ như: trong 50g thịt thăn heo chứa khoảng 2mg kẽm, 250g sữa chua chứa 1,6mg kẽm, và nửa cái ức gà chứa 1mg kẽm… Ngoài ra, để bé có thể hấp thụ kẽm tốt nhất, người mẹ còn nên bổ sung vitamin C cho trẻ từ chính các loại trái cây tươi giàu lượng vitamin C sẵn có như cam, chanh, quýt, bưởi…