Buồng trứng đa nang (PCOS) – Nên làm gì để tăng cơ hội làm mẹ?

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là một tình trạng rối loạn hormone của người phụ nữ. Hội chứng này ảnh hưởng đến gần 27% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15 tuổi đến 44 tuổi).
Với phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang PCOS, nồng độ hormone nam nhiều hơn bình thường, dẫn đến những rối loạn chức năng của hai buồng trứng.
Cụ thể, bệnh nhân thường có kinh nguyệt không đều, mất kinh, và hình thành rất nhiều nang trong buồng trứng (hình xâu chuỗi hạt trai). PCOS cũng là một trong các nguyên nhân phổ biến gây vô sinh ở nữ giới.
1. Biểu hiện thường gặp của PCOS
Các triệu chứng phổ biến của PCOS gồm:
• Kinh nguyệt không đều hoặc vô kinh: Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn bình thường (trên 35 ngày) hoặc khả năng ngắn tầm 20 ngày. Số lượng máu kinh cũng quá ít hoặc quá nhiều trong kỳ kinh
• Rậm lông: Lông cơ thể có thể phát triển ở một số bộ phân như ở nam giới (ví dụ ở rìa mép, cằm, lưng, ngón tay cái, quanh núm vú và dọc theo đường viền bụng dưới).
• Mụn trứng cá
• Xuất hiện vùng da dày, sậm màu (bệnh da gai đen) tại một số vùng như vùng nách, gáy, trên khớp nối và / hoặc khuỷu tay; nguyên nhân là nồng độ insulin cao do kháng insulin.
• Tăng cân, béo phì
2. Biến chứng
Hội chứng buồng trứng đa nang có thể dẫn tới một số biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe của người phụ nữ.
• Tăng nguy cơ mắc các hội chứng chuyển hóa: các rối loạn chuyển hóa và các bệnh lý tim mạch, thường gặp là tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid
• Giảm khả năng thụ thai: Người bị buồng trứng đa nang vẫn có khả năng có thai tự nhiên, tuy nhiên do tình trạng rối loạn phóng noãn, kinh nguyệt không đều dẫn đến khả năng thụ thai bị giảm, chậm có con, hiếm muộn
• Ung thư nội mạc tử cung: Nồng độ Estrogen tăng cao, tăng nguy cơ quá sản nội mạc tử cung, và cuối cùng là ung thư nội mạc tử cung.
3. Nên làm gì để tăng khả năng làm mẹ?
Có từ 70-80 % phụ nữ bị PCOS có vấn đề về khả năng sinh sản. Tuy nhiên, phụ nữ bị PCOS có thể mang thai bằng cách sử dụng các phương pháp điều trị sinh sản giúp cải thiện quá trình rụng trứng. Một số phương pháp và lời khuyên giúp bạn tăng khả năng thụ thai:
  • Điều trị nội khoa: Bạn nên đến khám tại các cơ sở y tế để được các bác sĩ chẩn đoán đúng tình trạng của mình. Từ đó bác sĩ sẽ có các phác đồ điều trị nội khoa (hormone nội tiết hoặc/và thuốc giảm đề kháng insulin) giúp cải thiện, kích thích quá trình phóng noãn, điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt về bình thường. Tuy nhiên việc sử dụng thuốc kích thích rụng trứng cũng có những nguy cơ như đa thai.
  • Điều trị ngoại khoa: Nội soi đốt điểm buồng trứng đa nang hoặc thụ tinh trong ống nghiệm là các chỉ định ngoại khoa giúp tăng cơ hội mang thai cho phụ nữ mắc hội chứng PCOS.
  • Giảm cân: Nếu bạn đang có tình trạng béo phì, việc giảm cân giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt đều hơn, tăng nhạy cảm insulin. Giảm cân cũng có thể giúp cải thiện khả năng sinh sản. Tuy nhiên, nó không có lợi cho những phụ nữ trọng lượng bình thường có PCOS.
  • Tập thể dục thường xuyên và giữ chế độ ăn cân bằng: Các nghiên cứu so sánh chế độ ăn kiêng cho PCOS đã phát hiện ra rằng chế độ ăn ít carbohydrate có hiệu quả cho cả việc giảm cân và giảm mức insulin. Hãy chủ động trong việc kiểm soát sức khỏe của mình bằng cách tập thể dục, theo dõi cân nặng và tập chế độ ăn hạn chế tinh bột.